Sự thật thú vị về virus và vi khuẩn

Có lẽ nếu có điều ước toàn bộ virus trên thế gian biến mất thì rất nhiều người sẽ lựa chọn vì những điều tệ hại mà chúng gây ra cho loài người. Tuy vậy, như nhà dịch tễ học Tony Goldberg đến từ trường đại học Wisconsin-Madison đã từng phát biểu: “Nếu tất cả mọi virus thình lình biến mất thì thế giới sẽ là nơi tuyệt vời trong một ngày rưỡi, và sau đó tất cả chúng ta đều chết. Toàn bộ những điều thiết yếu mà chúng làm được cho thế giới này lớn hơn nhiều so với những tác hại mà chúng gây ra”. Điều đó nói lên một thực tế rằng, virus đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của loài người cũng như vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ hệ sinh thái.
Bài viết này, bác sĩ xin phép được chia sẻ một số thông tin vô cùng thú vị về virus, mọi người đọc cho vui nhé!

Tên Virus

“Virus” được tạo ra từ tiếng Latin có nghĩa là chất lỏng còn “Corona” tiếng Latin có nghĩa là vương miện hoặc hào quang. Đó là hình ảnh coronavirus khi chúng ta quan sát dưới kính hiển vi điện tử.

Virus không phải là một sinh vật sống

Chúng là những vật chất hữu cơ phức tạp vô tri. Chúng chỉ tồn tại, sinh sản và tiến hóa trong các tế bào vật chủ (Vi khuẩn, nấm, động vật, con người…). Để được coi là một sinh vật sống, chúng phải có khả năng tự phát triển, sinh sản và tạo ra năng lượng.

Kích thước của Virus

Virus lớn nhất được biết đến là mimVDes, có đường kính 400 nanomet (0,0004 mm) với bộ gen có chiều dài 1.200.000 nucleotide và mã hóa cho hơn 900 protein. Virus nhỏ nhất được biết đến là Circovirus, có đường kính 20 nanomet (0,00002 mm) với bộ gen có chiều dài 1.700 nucleotide.

Virus nhân lên như thế nào?

Do cấu trúc đơn giản, virus không thể tồn tại, di chuyển và sinh sản nếu không có sự trợ giúp từ tế bào vật chủ. Để tấn công, virus đã tiến hóa các thụ thể trên bề mặt khớp với tế bào đích lý tưởng của vật chủ rồi xâm nhập vào bên trong, sau đó virus lấy vật liệu di truyền và chiếm quyền điều khiển bộ máy tế bào của vật chủ để giúp nó sinh sôi phát triển

Làm thế nào để virus lây lan?

Bên trong tế bào vật chủ, virus sinh sôi và nhân lên với cấp độ vô cùng khủng khiếp để tạo ra các bản sao rồi lây nhiễm sang các tế bào khác. Ví dụ, nếu chúng ta bị cúm, cơ thể sẽ bị nhiễm hàng trăm nghìn tỷ virus cúm chỉ sau vài ngày, nhiều hơn 10.000 lần số người trên Trái đất này. Virus lây lan từ người này sang người khác qua nhiều cách khác nhau. Ví dụ như virus cúm lây lan qua những “giọt sương nước bọt” nhỏ khi chúng ta ho hoặc hắt hơi trong khi một số loại virus khác lây lan dễ dàng nhất thông qua tiếp xúc với các chất dịch cơ thể khác. Ví dụ như virus Ebola lây lan do tiếp xúc với máu, phân hoặc chất nôn. Tuy nhiên, một số loại virus khác lai lây lan qua một trung gian như muỗi, chấy rận, ve…sau đó lây nhiễm sang người khác bằng cách cắn, đốt. Ví dụ như muỗi chính là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Nguy cơ sốt xuất huyết đã tăng lên trong những năm gần đây và hiện đang đe dọa khoảng một nửa dân số trên toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Các bệnh virus khét tiếng khác lây từ người qua người do muỗi làm trung gian có thể kể đến Zika, Chikungunya và West Nile.

Mật độ Virus khủng khiếp

Có tầm một triệu virus trên một mililit nước biển và tầm 1500 vi khuẩn trên 1 centimet vuông da bàn tay chúng ta (trong đó có cả virus), một con số vô cùng khủng khiếp. Đặc biệt nhiều nhất ở kẽ móng tay, khe giữa các ngón, các nếp nhăn da quanh các khớp ngón và vùng cổ tay (Vì chúng ta ít khi rửa tay kỹ những vùng đó)

Virus đột biến liên tục

Hàng ngàn đột biến virus phát sinh một cách tình cờ mỗi ngày có khả năng chống lại mọi sự kết hợp của các thuốc/sản phẩm chống virus đang sử dụng hoặc đang nghiên cứu phát triển, vậy nên cuộc chiến giữa con người với những virus gây bệnh là cuộc chiến sẽ không có ngày kết thúc. Con người tạo ra thuốc, vắc xin mới, virus cũng đốt biến ra chủng mới

Người đầu tiên phát hiện ra Virus ở người

Walter Reed là người đầu tiên đã phát hiện ra virus ở người: virus sốt vàng vào năm 1901. Virus cúm đã cướp đi tầm 50 đến 100 triệu người vào năm 1918 những mãi đến năm 1933 con người mới phân lập được nó. Và trong thế kỷ 20 có gần 200 triệu người chết vì bệnh đậu mùa do virus Variola gây nên.

Vai trò của Virus với bộ gene

Các nhân tố virus đóng vai trò trong khoảng 8% bộ gene người trong khi động vật có vú nói chung có xen lẫn khoảng 100000 di sản gene bắt nguồn từ virus.

Virus có thật sự là có hại?

Đang có một sự “Không công bằng” với virus khi hầu hết các nhà khoa học đều đang tập trung tìm hiểu, nghiên cứu về những virus gây bệnh mà rất ít trong số họ quan tâm đến vô vàn những loài virus có lợi cho con người. Và đến thời điểm này, dù đã tìm ra hàng ngàn loại virus khác nhau thì cũng đang có đến hàng triệu loài virus khác nhau mà các nhà khoa học chưa biết đến.

Thực thể khuẩn

Thực khuẩn thể là gì? Là những loài virus chuyên “ăn thịt” vi khuẩn. Chúng là tác nhân chính điều phối số lượng vi khuẩn trong đại dương cũng như trong mọi hệ sinh thái trên hành tinh này. Vậy nên khi virus biến mất, một số loài vi khuẩn sinh sôi trong khi một số loài khác sẽ biến mất và lúc đó sẽ là thảm hoạ cho đại dương cũng như con người vì đại dương chứa 90% tất cả các sinh vật sống và cũng là nơi tạo ra 50% lượng oxy cho trái đất này.

“Nhà điều phối” sự sống

Nhà sinh thái học về virus Marilyn Roossinck tại đại học Penn State cho biết: Virus cũng được xem là “Nhà điều phối” sự sống trên trái đất vì khi một sinh vật nào đó quá đông đúc, virus sẽ đến và tiêu diệt chúng để trả lại sự cân bằng. Bác sĩ đang tự hỏi, liệu con người chúng ta có đang quá đông đúc?

Virus với sữa bò

Virus được xem là đóng vai trò chính giúp bò cũng như các động vật nhai lại khác có thể biến cellulose trong cỏ thành đường cũng như đảm bảo quá trình trao đổi chất được diễn ra, qua đó giúp chúng ta có món bò pít-tết và sữa uống mỗi ngày

Virus… chữa bệnh

Nhiều virus đang được nghiên cứu để chữa bệnh cứu người đặc biệt là triển vọng dùng virus để thay thế kháng sinh cũng như một số thuốc chữa ung thư trong tương lai

Virus là tác nhân liên quan lớn với sức khỏe con người

Trong 10 vấn đề sức khoẻ mà Tổ chức Y tế Thế giới quan tâm năm 2019 thì có đến 6 nội dung có liên quan đến các loài vi khuẩn và virus. Chúng bao gồm: vấn đề virus cúm, virus HIV, virus Ebola, sốt xuất huyết, kháng kháng sinh và vấn đề sự e ngại trong tiêm phòng vắc xin. Điều đó đã nói lên một điều thực sự rõ ràng rằng vi khuẩn-virus chính là những tác nhân liên quan lớn nhất đến sức khoẻ của con người trên toàn thế giới

Những bệnh thường gặp do Virus gây ra

Top những bệnh truyền nhiễm thường gặp và nguy hiểm nhất với trẻ nhỏ hiện nay bao gồm bệnh cúm do virus cúm, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue, bệnh sởi và Rubella, bệnh chân tay miệng do virus Coxsackie A16 và 1 số virus khác, bệnh bạch hầu…và gần đây nhất là viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Làm sao để ngăn vi khuẩn và virus?

Với vi khuẩn thì kháng sinh mang lại hiệu quả chữa trị hiệu quả tuy nhiên luôn có sự chạy đua giữa việc phát minh ra những kháng sinh mới với sự kháng kháng sinh do vi khuẩn đột biến, ở đó chúng ta luôn đi sau một bước. Với virus, kháng sinh không có tác dụng chữa trị mà cơ bản sẽ dựa vào việc tiêm vắc xin dự phòng cũng như chủ động tăng cường hệ miễn dịch.

Vi khuẩn / Virus vào cơ thể bằng cách nào?

Hầu hết các loài vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua các “kẽ hở” trên cơ thể chúng ta như mũi, miệng, tai, hậu môn và đường sinh dục. Chúng cũng có thể được truyền qua da của chúng ta thông qua côn trùng hoặc động vật cắn hoặc qua việc tiêm truyền vì vậy cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng là ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể bằng cách kiểm soát những đường vào này, các bạn nhé!

Và điều thú vị cuối cùng…

Và khám phá thú vị cuối cùng bác sĩ muốn chia sẽ đó là có nhiều các bằng chứng cho thấy con người có được khả năng sinh sản là nhờ vào một đoạn mã gene có từ loại virus thời cổ xưa, đã lây nhiễm lên tổ tiên chúng ta từ hơn 130 triệu năm trước. Các tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS Biology năm 2018 viết: “Thật hấp dẫn khi ta có thể suy đoán rằng quá trình mang thai của con người có thể sẽ rất khác đi, thậm chí là không tồn tại nếu không nhờ vào các eon từ bệnh dịch do các virus cổ xưa lây nhiễm với những tổ tiên tiến hoá của chúng ta”.
Trân trọng!
Bs Khánh,

Nếu Anh Chị thấy hữu ích, hãy giúp bác sĩ chia sẻ kiến thức này tới cộng đồng:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kết nối đến Facebook

Liên hệ hợp tác / mua hàng