7 nội dung dự phòng mùa lũ

Anh Chị ạ, sự biến đổi khí hậu đang diễn ra quá nhanh trên quy mô toàn cầu và Việt Nam mình cũng không phải là ngoại lệ. Một trong những nguy cơ thiên tai thời gian này đó chính là mưa lũ. Và thực tế những trận lũ ở nước ta đang có xu hướng xuất hiện với tần suất và cường độ ngàng càng phức tạp, đặc biệt dọc vùng duyên hải miền trung. Với phòng chống lũ, có những nội dung ở tầm vĩ mô tuy vậy mỗi người dân chúng ta cũng cần ý thức được việc này để vừa cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường (Giảm nguy cơ cháy rừng, tăng cường trồng cây xanh, hạn chế ngăn sông khai thác thuỷ điện…) vừa chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nó.
Mùa lũ năm nay lại đang cận kề, để góp phần nhỏ giúp mọi người có thể chuẩn bị tốt hơn, Bs xin chia sẻ: “7 NỘI DUNG DỰ PHÒNG MÙA LŨ”, rất mong mọi người lưu tâm tham khảo, đặc biệt là miền trung yêu dấu.

1. CẬP NHẬT THÔNG TIN.

Việc nắm bắt kịp thời được những diễn biến thời tiết cực đoan là rất quan trọng, chỉ có như vậy chúng ta mới có thời gian để chuẩn bị, xử lý trước khi mưa lũ ùa về. Ngoài báo, đài trung ương và địa phương, anh chị có thể theo dõi hai trang thông tin uy tín trên nền tảng facebook dưới đây ạ:
  • Hoặc mọi người có thể theo dõi trang cá nhân của anh Nguyễn Huy, một chuyên gia dự báo chính xác, cập nhật những hiện tượng thời tiết cực đoan tại địa chỉ: https://www.facebook.com/huy.nguyen.5439087

2. CHUẨN BỊ VẬT TƯ BẢO VỆ CON NGƯỜI.

Cần chuẩn bị tối thiểu mỗi người một áo phao
Những vật tư thiết yếu mùa lũ bao gồm ao phao, ủng, mũ bảo hộ, đèn pin, thuyền nhỏ… Tuỳ điều kiện từng gia đình cân đối mua sắm tới đâu nhưng cơ bản nhất mỗi thành viên trong nhà cần có 1 cái áo phao, anh chị nhé. Giờ áo phao cũng dễ mua và chi phí vừa phải.

3. NHU YẾU PHẨM & VẬT DỤNG CẦN THIẾT.

  • Lương Thực: Mọi người cân đối để đủ lương thực dùng tầm 1 tháng (gạo, ngô, khoai, sắn, miến, bột mì,…) và nên có thêm vài thùng mì tôm, lương khô.
  • Thực phẩm: Mọi người nên ưu tiên dự trữ cơ số thực phẩm khô như cá khô, tép khô, mực khô, măng khô, lạc, vừng, đậu, nước mắm, bột nêm, dầu ăn, ít trứng nữa nếu được. Biển miền trung có rất nhiều cá nhỏ (cá trích, cá nục, cá lẹp…) mọi người có thể mua về kho mặn rồi bảo quản dùng dần cũng rất dinh dưỡng và dễ ăn ngày mưa rét.
  • Năng lượng: Mỗi gia đình nên chuẩn bị chất đốt như bình ga lưu động, củi, than, đèn pin, ắc quy, sạc dự phòng điện thoại.
  • Nước sạch: Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn vài can 20 lít nước sạch để uống và nấu ăn, nếu có điều kiện thì mua nước suối đóng chai. Hoặc dự trữ nước tại các thùng inox trên mái nhà.
  • Vật dụng cần thiết khác: Bỉm tã cho trẻ em, mấy hộp giấy vệ sinh, băng vệ sinh phụ nữ, một vài hộp xà bông rửa tay, nến, đèn dầu, vài ba cái bật lửa và mỗi người 1 vài bộ áo quần khô sạch để riêng dự phòng.
Lưu ý: Tất cả những vật dụng và lương thực, thực phẩm thiết yếu, mỗi gia đình cần lên phương án bảo quản khi nước lũ dâng như đưa lên tầng 2, tầng 3 (Nếu nhà cao tầng), nếu không thì cần chuẩn bị những thùng gỗ, thùng inox cùng với túi bóng, dây buộc để khi nước dâng => treo néo lên xà nhà, cành cây.

4. CHUẨN BỊ THUỐC MEN Y TẾ.

Cần chuẩn bị một túi y tế gia đình
  • Một túi y tế gia đình bán sẵn tại các nhà thuốc hoặc một túi bông băng gạc, pêtadin, oxy già, cồn.
  • Nước muối sinh lý nhỏ mắt, kháng sinh nhỏ mắt, kháng sinh mỡ bôi ngoài da, viên multivitamin để nâng cao sức đề kháng…(Anh Chị nên tham khảo dược sĩ và bác sĩ mà mình quen nhé).
  • Oresol, ít kháng sinh thông thường, một ít thuốc hạ sốt (Cả loại uống và cả loại đút hậu môn nếu nhà có trẻ nhỏ).
  • Hoá chất xửu lý nước ô nhiễm như phèn chua, Cloramine B, viên Aquatabs
    (Cách xử lý nước Bs đã viết ở ĐÂY )

5. LÊN PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ NHỮNG THỨ QUAN TRỌNG.

  • Với giấy tờ tuỳ thân, sổ đỏ, sổ tiết kiệm, bằng khen…=> mọi người nên cho vào túi bóng (Nên bọc 2 lớp) rồi sẵn sàng để cao, treo cao vào vị trí an toàn.
  • Với lúa gạo, tivi, đài, máy móc…=> cũng nên chuẩn bị phương án gác cao, treo cao với túi bóng bọc 2 lớp bên ngoài.
  • Với gia súc, trâu bò…=> nên chủ động phương án. Ví dụ như trước đợt mưa kéo dài (Theo dự báo thời tiết) => nên đi gửi chỗ cao hoặc lên phương án đưa lên chỗ cao (Tầng 2, 3). Với những sản phẩm có thể thu hoạch/bán được thì cũng nên cân nhắc thu hoạch trước mùa mưa.

6. XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI KẾT NỐI NỘI BỘ.

Theo cá nhân Bs, mỗi địa phương (Xã, phường, thôn, xóm, tổ dân phố…) nên thành lập một group online (Nhóm sinh hoạt trên Facebook, zalo…) trong đó có lãnh đạo và ban phòng chống lũ lụt địa phương nơi mình sinh sống để kịp thời cập nhật, thông báo, hỗ trợ nhau….trong những lúc nguy cấp vì nước xa không dập được lửa gần.
Mỗi địa phương cần chủ động xây dựng cho chính gia đình mình, địa phương mình…những giải pháp đối phó mùa lũ chứ không nên “Trao gửi tuyệt đối” vào các đơn vị ở quá xa (Đội cứu hộ cứu nạn, lực lượng vũ trang..). Không phải vì họ thiếu trách nhiệm mà vì những lúc nguy cấp, nhu cầu cứu trợ là rất lớn trong khi năng lực phản ứng của các cơ quan đoàn thể luôn có giới hạn => khó tránh khỏi những sự không toàn vẹn. Tự mình chủ động dự phòng & cứu lấy mình, ý nghĩa hơn nữa nếu giúp đỡ được thêm những người gần cạnh, như vậy là đã quá phúc phần rồi.

7. MỘT SỐ LƯU Ý!

  • Chúng ta thường không tiên lượng được mức nước dâng cao rất nhanh chỉ sau một thời gian ngắn, đặc biệt về đêm => luôn chủ động triển khai các giải pháp dự phòng (Treo vật dụng lên cao, chuyển đồ lên tầng 2, trâu bò đi gửi, áo phao mũ mão sẵn sàng…) khi có thông tin mưa to, áp thấp nhiệt đới kéo dài.
  • Nhiều người đã tử vong trong lũ vì tự tin mình biết bơi => mọi người thực sự chỉ ra ngoài khi cần thiết hoặc có người cần giúp đỡ. Tuyệt đối tránh chèo thuyền “Đi đây đi đó” để xem…lũ thế nào vì rất dễ bị nước xoáy cuốn. Dòng nước thường tạo ra những dòng chảy bất thường khi đi vào các khu vực dân cư do có những vật cản khác nhau => dễ lật thuyền, ghe.
  • Khi con đường trước mặt đã ngập quá 30cm kèm chảy xiết hoặc nước ngập những cung đường mình chưa quen đi => hạn chế băng qua vì rất dễ xuất hiện những đoạn đất sạt lở, cống sập, vật cản. Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp đau lòng như vậy, nhanh một chút nhưng chậm cả đời.
  • Luôn trông chừng con trẻ những ngày nước lên vì trẻ em có phản xạ rất thích nghịch nước, dễ đuối nước. Tốt nhất nên có các thanh chắn quanh nhà nếu có con trẻ vì không phải lúc nào chúng ta cũng để ý được các con.
  • Mọi người cũng có thể xem video sơ cứu người đuối nước tại địa chỉ này nhé, để phòng khi cần đến:

Trên đây là 7 NỘI DUNG chính Bs chia sẻ, rất mong Anh Chị tham khảo cũng như lên danh sách chuẩn bị nhu yếu phẩm sớm ạ.
Và nếu được, kính nhờ mọi người chia sẻ giúp Bs tới cộng đồng để thêm nhiều người được biết cũng như mình có thể xem lại lúc cần thiết, không chỉ cho mùa lũ năm nay mà còn nhiều năm sau nữa.
Trân trọng thật nhiều!
Bs Khánh,

Nếu Anh Chị thấy hữu ích, hãy giúp bác sĩ chia sẻ kiến thức này tới cộng đồng:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kết nối đến Facebook

Liên hệ hợp tác / mua hàng